Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Con mèo nằm trên bàn thờ

Truyện đã đăng trên báo Đại Biểu Nhân Dân Tết, trong khi bản tiếng Anh The Cat That Slept on The Altar đã xuất bản trong tuyển tập WTF!? của NXB Narcissuss Pink Press, Hoa Kỳ.

Đó là một con mèo nhị thể đen trắng. Cũng chỉ là một con mèo nữa, mẹ nuôi để đuổi chuột. Ba tháng tuổi, nó đang tuổi ăn tuổi lớn. Cái bàn thờ đóng bằng thứ gỗ xưa hiếm, với nhiều chạm khắc tinh vi. Nào chim nào hoa lá, như tôi nhớ là vậy. So với nhiều gia đình khác thì bàn thờ nhà tôi khá là khiêm tốn. Hai cây đèn bằng đồng án ngữ phía trước, cân xứng hai bên cái lư hương. Phía bên trái là đĩa hoa quả, ngày thường đơm một trái bưởi to lắm. Mẹ nói đơm bưởi cho nó lâu. Ngày rằm mới có thêm xoài hay chuối. Và dĩ nhiên, ngày Tết là một trái dưa hấu xanh thẫm, bóng lưỡng như có thể soi gương vậy. Phía bên phải là bình hoa, cũng thay đổi theo thời như đĩa trái cây. Tôi thấy hoa huệ trắng là thường nhất, nhưng cũng có khi vài bông sen, ửng hồng như làn môi thiếu nữ. Phía trong cùng, sát vách tường, là những tấm hình ông bà: nội ngoại, cao cố. Có những vị mất từ hồi xưa xửa xừa xưa, chẳng có bức ảnh nào để lại, chỉ còn những cái tên viết lên một khung giấy. Bên dưới tên mỗi người là ngày mất của họ, để mẹ còn biết đường làm cơm cúng. Tôi là người quét dọn và thắp nhang ngày ngày, thành ra tôi biết được điều bí mật của con mèo nhị thể. Nó rất ưa ngủ trên bàn thờ. Dĩ nhiên tôi cũng biết một vài cư dân khác nữa. Một con tò vò làm cái tổ bùn rất xinh dưới bàn thờ, chỗ chân và mặt bàn nối nhau. Hai con thằn lằn hay đuổi nhau trên trần nhà. Một con nhện giăng lưới trong góc nhà, quét hoài mà cứ giăng hoài. Hai con chim sẻ thủ thỉ thù thì dưới mái ngói. Nhưng con mèo là khác người hơn cả. Hồi giờ tôi chỉ thấy mèo ưa ngủ trên giường hay nằm phơi nắng trên mái nhà mà thôi.
Minh họa của Đặng Hồng Quân
Trong các bức ảnh thờ, ảnh bà nội là to hơn cả. Rồi tới ảnh bà cố. Ông nội và ông cố cũng có ảnh, nhưng mà chúng bé tèo tẹo, phải để ý mới nhận ra. Bố là người sắp xếp những chuyện này, thành ra chỉ có bố mới biết tại làm sao. Trong số các ông bà, tôi chỉ biết có bà nội, những người khác đều đã mất trước khi tôi chào đời. Ông nội chết trẻ, vì một bịnh gì đó. Ông cố sống lâu hơn, nhưng hồi chiến tranh bị địch càn, ông chết rất thảm. Dĩ nhiên, tôi nghe kể nhiều chuyện về tổ tiên mình.
Ông nội như lời kể là người bắt cá rất giỏi. Ông thường lội xuống con sông đầu làng và bắt cá bằng tay không. Chẳng có lưới hay cần câu gì cả, chỉ có hai bàn tay không mò mẫm theo những hang hốc dọc theo bờ sông. Ông cũng ưa trồng khổ qua trong vườn nữa. Ông vốn khó tính, những trái khổ qua lủng lẳng ông cứ muốn chúng treo thật thẳng hàng. Trái nào lệch qua một bên là ông cắt bỏ. Tôi còn nghe kể những chuyện khác nữa, nhưng mà không hay về ông. Thôi tôi sẽ không kể lại đâu. Nếu lỡ có gì sai, thì tôi mang tội với người đã mất.
Ông cố chết rất bi. Hồi đó chiến tranh lên đến đỉnh điểm. Dân làng bị lùa lên thị trấn, vì chính quyền muốn cắt nguồn tiếp tế. Nhưng mà ông cố chẳng có gì để làm giữa chốn thành đô xí xô xí xào. Ông lẳng lặng bỏ về làng, ra đồng làm việc. Kể lại là ông bị bắn chết từ trên trực thăng. Ông bị tưởng nhầm là quân kháng chiến. Ông chết giữa mùi rơm ngai ngái, mùi bùn tanh tanh. Tôi tự hỏi phải chăng ông biết trước kết cục của mình. Nhưng ông chẳng thà chết thảm trên mảnh đất mà mình đã lớn lên còn hơn sống mòn giữa những bê tông cốt sắt và hàng rào kẽm gai xa lạ.
Trước khi có con mèo nằm trên bàn thờ, mẹ cũng từng nuôi những con mèo khác người. Mấy năm trước, có một con mèo giống y như chó. Nó rất ưa ôm chân người ta. Khi mình ăn, nó ngồi chốc mõ nhìn lên, như thể đang chờ một mẩu xương. Ngay cả tiếng meo của nó cũng gằn gằn như tiếng chó sủa. Dĩ nhiên khi lớn lên nó cũng ưa rượt đuổi những con mèo, nhứt là mèo cái. Rồi lại có một con mèo xiêm ưa ngủ trong tủ kính bày hàng. Dĩ nhiên nó là con mèo đẹp nhứt thị trấn. Chắc nó cũng biết mình đẹp. Nhưng nó không thể so bì với con mèo hiện tại, về mức độ huyền bí.
Bà cố biết rất nhiều chuyện đời xưa. Tôi ghen tỵ với bố vì những chuyện bà kể đều hay, cho dù phải qua một dị bản là bố. Câu chuyện ám ảnh tôi nhiều nhứt kể về một đứa cháu sống với một bà cô, hai người bị một nạn đói kéo dài tới mức chỉ còn một hạt đỗ để sống. Bà cô cho hạt đỗ vào trong ấm nước, đun tới đun lui, uống nước cầm hơi sống qua ngày. Một hôm khi người cô đi vắng, đứa cháu không cầm lòng được vớt hạt đỗ ra ăn. Không còn mùi đỗ để hít ngửi, bà cô lịm chết. Đứa cháu sau đó được cứu sống. Nhưng nó cứ mãi ăn năn việc mình làm. Rồi nó cũng chết và biến thành một con chim. Người ta thường thấy nó trên những cánh đồng trồng đỗ. Nó sẽ hót như vầy, “Mùa lúa trỗ đỗ chín, hi-i-i-i-i-ít cô”. Những người nông dân bèn gọi nó là con chim hít cô.
Tôi biết nhiều hơn về bà nội vì bà sống cho tới năm tôi mười lăm. Bà nội là người tần tảo siêng năng, bà bán hạt giống cho nhà nông và tự mình trông coi hai thửa ruộng. Bà thức dậy còn sớm hơn con gà trống tía sau chuồng, lọ mọ chuẩn bị cho gánh hàng đi chợ. Ở quê nội chợ làng chỉ thành chợ phiên một buổi trong tuần, thành ra muốn họp phiên mỗi ngày thì phải ráng đi chợ xa, qua nhiều làng xã. Khi về quê nội nghỉ hè tôi vẫn thường đi chợ với bà, đi bằng xe ngựa, trên con đường làng uốn lượn theo bờ sông. Cũng có lúc hai bà cháu đi bộ. Cái vui của sự đi bộ là mình có thể băng tắt qua những cánh đồng. Nói cho ngay, đi xe ngựa đồng xóc miết cũng chán lắm.
Gian thờ trong nhà nội thì bề thế hơn nhiều. Có một bàn thờ chính và ba trang ở bên trên. Trong gian nhà thờ lúc nào cũng tối om om. Lúc nào cũng có khói nhang, và hai lần trong ngày, lúc sáng sớm và trước khi đi ngủ, tiếng mõ boong boong huyền hoặc. Bà nội không nuôi mèo mà nuôi vài con chó. Tôi không nhớ nhiều về chúng vì chúng không có chi đặc biệt. Với lại, đã có những con vật khác để chơi đùa. Tôi thường bắt cua ngoài đồng về chơi. Tôi móc đất sét nặn một cái xe hơi rồi cột bốn con cua vào làm bánh, nhưng bạn biết lũ cua chúng bò ra sao rồi đó. Xe hơi của tôi chẳng bao giờ nổ máy được cả. Một trò khác tôi học được từ thằng em họ là đá nhền nhện. Thứ nhện chịu đá nhau không phải là nhện giăng tơ, mà là những con bò loanh quanh vồ mồi. Chúng tôi bắt chúng trong um tùm lá dọc hàng rào.
Lần đầu tiên tôi thấy con mèo nhị thể ngủ trên bàn thờ là hồi tháng trước. Tôi nghĩ chắc chỉ là sự tình cờ. Tôi không muốn đánh thức nó, thành ra tôi chừa cái chỗ nằm của nó lại, khỏi phủi bụi. Sau đó thì tôi thấy rành rành con mèo này ưa ngủ trên bàn thờ. Nó cuộn mình bên dưới bình hoa, hai chân che mặt, hai mắt lim dim, hơi thở nghe rõ mồn một. Tôi thấy kỳ lạ là giống mèo thở to thế khi chúng ngủ. Thật quá vô duyên so với sự đỏm dáng thường ngày. Có lẽ vì liếm lông nên chúng mệt, chúng mới thở to như vậy?
Hôm nay là ngày cuối năm âm lịch. Mẹ làm một mâm cỗ lớn để cúng ông bà. Nhưng mâm cỗ mẹ làm vẫn không tinh xảo bằng bà nội. Tôi nhớ có đến mấy chục món ăn. Bảy món bún miến. Thịt luộc, thịt rôti, thịt kho rục. Gà nấu cháo, gà xé phây, gà ráng. Rồi bao nhiêu là thứ bánh tự làm: bánh in, bánh thuẩn, bánh cốm, bánh ít, bánh chưng. Cùng với bánh là mứt: mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao, mức dẻo. Và sắp các món làm sao vừa vặn lên bàn là cả một nghệ thuật. Rồi cả nhà thắp nhang và cúng vái ông bà. Hồi nhỏ tôi lạy không được thật cho lắm. Tôi cứ tự hỏi, “Có thật không? Có thật ông bà mình đang sống trên trời không?”
Hồi đó sự sống mới tràn trề làm sao. Cá chật sông, cua đầy đồng. Tôi câu tuy dở nhưng cũng dính được vài em cá chốt háu ăn. Rồi người ta xịt thuốc trừ sâu, diệt trừ luôn những thứ khác. Tiếp đến là ô nhiễm. Tôi tự hỏi, “Con người có nhất thiết phải ăn nhiều như vậy không?” Bà cố tôi nói con vật thật ra cũng là người, chẳng qua là chúng không may đó thôi. Kiếp sau chúng sẽ làm người trở lại. Và cũng có những người thật ra là các vị thần xấu số. Chà chà. Tôi hỏi mẹ thích làm nữ thần nào. Mẹ làm ngơ. Mẹ nói tôi biết nhiều quá.
Bố đang bận vẽ chân dung cho ông cố. Bố của bố, tức ông nội tôi, mất khi bố mới tròn năm tuổi. Bố chỉ nhớ mang máng. Thật ra cũng có một vài ký ức rõ rệt, chỉ có điều chúng không vui. Ông nội hay đánh bố. Ông cũng đánh cả vợ nữa. Bố nói ông ước gì bố mình chết đi. Có ngờ đâu thành sự thật. Tôi hỏi bố, “Chắc là do bố nguyền rủa?” Bố cũng như mẹ, nói tôi biết nhiều quá, không có lợi ích gì đâu.
Tôi leo cầu thang lên lầu quét dọn. Nguyên buổi sáng hôm nay tôi sẽ phải bận bịu với những cây đèn đồng. Mỗi năm một lần, tôi lại phải đánh cho teng đồng bong ra, rồi nó mới sáng trưng trở lại. Tôi phải dùng một thứ dung dịch đặc biệt mua dưới phố. Bôi dung dịch lên cây đèn làm cho teng đồng chảy ra thành một thứ xin xỉn xanh xanh, mà trước sau gì cũng lấm lem hết lên cả áo quần. Dĩ nhiên bạn cũng có thể đem xuống phố thuê người ta đánh bóng, nhưng tự làm ở nhà vẫn hay hơn. Họ dùng một cái bàn chải máy, chà tới đâu sáng choang tới đó nhưng mà hao đồng lắm. Cứ chà kiểu đó chừng vài năm là chẳng còn gì. Bố nói bộ đèn đồng này xưa tới bốn thế hệ rồi đó. Tôi cố hình dung bố rồi ông nội rồi ông cố cũng ngồi chà xát hai cây đèn y như tôi lúc này, nhiều cái Tết về trước.
Con mèo dĩ nhiên đang nằm dưới bình hoa. Mẹ đã thay vào những bông huệ vàng óng ả. Con mèo nó ngao như đòi vuốt ve. Tôi có một câu hỏi to đùng liên quan tới con mèo, tôi biết chỉ có bố mới trả lời được thôi. Nhưng tôi không biết phải làm sao bố mới chịu nói. Tôi phải đợi một dịp may. Có lẽ là tối nay chăng, khi ông đã hào sảng sau vài lon bia. Lúc này đây, tôi sẽ hài lòng với việc lau chùi cây đèn, trong khi con mèo bận bịu lau chính nó.
Có một chuyện đời xưa khác của bà cố cũng ám ảnh tôi, là mối tình éo le giữa anh nông dân và một cô tiên nữ. Ngày xửa ngày xưa có anh nông dân lấy một cô tiên nữ, dung nhan rạng ngời. Làm sao mà lấy được nhỉ? Nói cho ngắn gọi là cô ấy buộc phải lấy. Ngày nọ cô đang tắm dưới hồ cùng với bầy chị em thì có anh nông dân tình cờ đi ngang qua. Anh ta bị mê hoặc bởi nhan sắc tuyệt trần của họ. Mà trời xui đất khiến hay sao ấy, anh ta còn nhìn thấy nơi cất giấu xiêm y của các cô, đó là những đôi cánh. Anh lẻn tới nơi đó và lấy cắp một đôi. Tắm táp xong xuôi, các cô tiên mặc cánh vào bay về trời. Nhưng có một cô cứ đứng đó loay hoay mãi. Cô không còn cách nào hơn là đi theo anh nông dân về nhà.
Họ sống dù sao cũng hạnh phúc bên nhau và sinh hạ hai cậu con trai, xinh xắn lắm. Nhưng một hôm xúc lúa khỏi cái bồ to ở giữa nhà đi nấu cơm trưa, cô tiên phát hiện ra cái tưởng như đã mất: đôi cánh của cô. Tức giận cộng với nỗi nhớ nhà, cô bèn mặc cánh bay về trời. Anh nông dân và hai cậu con trai nhớ cô tiên quá, họ bèn đến gặp một đạo sĩ, nhờ ông ta giúp đỡ. Vị đạo sĩ dùng phép thuật đưa ba người lên trời, cho gia đình được đoàn tụ. Mà họ đoàn tụ vui vẻ lắm. Nhưng Ngọc Hoàng hay tin thì lại không vui, ngài cho như thế là phạm vào thiên giới. Ngài nói những “phàm phu” phải trở về mặt đất, còn tiên nữ ở lại trời. Bốn người buồn quá nhưng đâu còn cách nào khác. Cô tiên cột sợi thừng vô một cái trống to và bảo ba cha con ngồi lên đó. Cô sẽ thả họ xuống đất như là thả một chiếc gàu xuống giếng vậy. Cô dặn họ khi nào tới nơi thì đánh ba tiếng trống, cho cô biết mà cắt dây.
Nhưng trời xui đất khiến hay sao ấy, khi họ đang ở lưng chừng giữa trời và đất, thì hai cậu con trai đói quá bèn lấy cơm nguội ra ăn, làm rơi vãi trên mặt trống. Một đàn quạ ở đâu bay ngang, cũng sà vô ăn ké. Chúng mổ lên mặt trống, kêu tùng tùng tùng. Nghĩ rằng chồng con đã về đến nơi, cô tiên bèn cắt đứt dây. Ba cha con rớt xuống chết. Sau đó khi biết được lỡ lầm của mình, cô tiên buồn quá cũng chết theo. Câu chuyện làm Ngọc Hoàng đau xót và ăn năn, ngài cũng phần nào có lỗi với họ. Ngài bèn hạ lệnh cho gia đình họ, mà sau khi chết đã biến thành những ngôi sao tách lìa, được đoàn tụ mỗi năm một lần, vào ngày rằm tháng bảy. Và như một hình phạt cho thói ăn cướp, bầy quạ đen phải xây một cây cầu bắc qua con sông Ngân cho họ gặp nhau. Sau này lớn lên tôi biết câu chuyện này có nhiều dị bản và phổ biến khắp các nước Á Đông. Tên của hai ngôi sao đó là Ngưu Lang và Chức Nữ.
Bố đã vẽ xong chân dung của ông cố. Lúc này bố đang lồng vào khung. Cây đèn đồng trong tay tôi đang sáng dần lên, từng chút từng chút một. Dưới bếp, mẹ đang bận bịu chỉ bảo người làm. Trên bàn thờ, con mèo đã thay đổi tư thế nằm; lúc này nó nghiêng về bên trái, hai chân duỗi thẳng ra, khoan khoái lắm. Tôi muốn hỏi bố con mèo là ông bà nào của mình vậy, nhưng tôi biết bố sẽ trả lời ra sao. Bố sẽ chỉ đơn giản nói, “Con trai à, đừng cố biết hết mọi chuyện trên đời”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét